Người dân tỉnh Quảng Nam lo lắng việc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn thép Việt Pháp được chọn địa điểm để xây dựng nhà máy luyện cán thép.
Góc đọc báo cùng - Công ty cổ phần Ben
Mấy ngày qua, người dân tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng lo lắng về việc chính quyền tỉnh Quảng Nam có chủ trương cho Công ty Trách nhiệm Hữu hạn thép Việt Pháp được chọn địa điểm để xây dựng nhà máy luyện cán thép tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang. Nhà máy này trước đây đặt tại cụm công nghiệp Thường Tín 1, phường Điện Nam Đông, huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn), gây ô nhiễm môi trường bị người dân ngăn cản hoạt động. Tỉnh Quảng Nam buộc nhà máy phải di dời hoặc đóng cửa nhà máy vào cuối năm 2017.
Tại tổ 3, thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, nơi Công ty Trách nhiệm Hữu hạn thép Việt Pháp dự kiến đặt nhà máy thép, nhiều người dân bày tỏ thái độ phản đối.
Ông Nông Văn Quảng, dân tộc Nùng từ tỉnh Cao Bằng vào đây lập nghiệp từ năm 1991 cho biết, nhà máy thép hoạt động sẽ làm đảo lộn cuộc sống bà con: "Khí bay thải ra gần độ 5, 6 cây số dứt khoát là bị ảnh hưởng thôi. Thứ 2 nếu nhà máy này xử lý chất thải không đạt tiêu chuẩn, trôi ra môi trường theo khe xuống thì dân ở dưới Đại Lộc cũng bị chứ không riêng gì ở đây. Cho nên chỉ nhìn vào góc độ kinh tế mà không nhìn về môi trường thì tai hại rất lớn. Vì bao nhiêu thế hệ, những đứa trẻ mới đẻ ra bị ung thư này, nọ, bệnh này bệnh kia lan tràn cả một xã hội ở đây chứ không phải một người nào đó".
Ngày 7/9 vừa qua, chính quyền thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam tổ chức họp với 17 hộ dân tại Tổ 3, thôn Hoa để thông báo những thông tin liên quan đến dự án Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp. Tại cuộc họp này, đa số người dân đều lên tiếng phản đối.
Khu vực dự kiến đặt nhà máy thép tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ
Ông Kaphu Tân, Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang cho biết, kể từ cuộc họp đó đến nay, ông không có thêm thông tin về dự án này: "Tôi không hiểu lý do tại sao Ủy ban nhân dân tỉnh ký Công văn cho phép khảo sát tại thôn Hoa. Đối với chính quyền địa phương, tôi sẽ làm Công văn đề nghị Ủy ban nhân dân huyện và Công ty lấy ý kiến của toàn nhân dân thôn Hoa. Nếu tình hình phức tạp thì có thể tôi sẽ làm văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh. Tôi phải lấy dân làm gốc, cấp trên thì cấp trên nhưng tôi là người trực tiếp gắn bó với nhân dân thì tôi phải có trách nhiệm với nhân dân".
Tại thành phố Đà Nẵng, nơi cả triệu người dân đang sử dụng nguồn nước của sông Vu Gia, Thu Bồn cũng đã lên tiếng phản đối việc đặt Nhà máy tại khu vực đầu nguồn. Bởi nếu nguồn nước sông Bung bị ô nhiễm đổ về phía sông Vu Gia sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân thành phố.
Ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Cấp nước Đà Nẵng cho biết: "Bài học kinh nghiệm đối với các nhà máy thép thì cũng thấy rõ rồi. Tôi nghĩ rằng, đối với công nghiệp nặng, ảnh hưởng môi trường lớn cũng không nên đưa lên vùng cao vì ảnh hưởng càng rộng lớn. Nói chung ai nghe cũng giật mình, ai nghe cũng lo lắng. Đó là tâm trạng chung, bởi thực tế khi lập dự án thì đa số viết đơn giản, quá trình thực hiện nếu chủ đầu tư muốn tiết kiệm chỉ một phần nào đó thôi sẽ ảnh hưởng đến môi trường rất lớn".
Năm 2012, Dự án xây dựng nhà máy thép Việt - Pháp được Ủy ban nhân dân huyện Điện Bàn trước đây, và nay là thị xã Điện Bàn tiếp nhận theo phân cấp quản lý cụm công nghiệp. Trong quá trình hoạt động, do khâu xử lý từ phế liệu sắt thép thành phôi thép gây ô nhiễm môi trường nên người dân địa phương phản đối. Theo đề nghị của thị xã Điện Bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam thống nhất phải di dời nhà máy này vào cuối năm 2017 khỏi cụm công nghiệp Thương Tín 1. Qua khảo sát có 2 vị trí có được chọn đặt Nhà máy thép là tại xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc hoặc tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang. Tuy nhiên, cả 2 vị trí này đều bị người dân phản đối.
Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết: "Theo dự kiến thì đặt nhà máy tại thôn Hoa của thị trấn Thạnh Mỹ, cách khu dân cư khoảng 3 km, còn ví trí cụ thể thì bây giờ đang thỏa thuận và lấy ý kiến của người dân. Trường hợp người dân không đồng thuận và các ngành chức năng của huyện không đồng thuận thì phải xử lý biện pháp tiếp theo là đóng cửa nhà máy hoặc đi tìm vị trí khác không ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân.
Theo Hoài Nam/VOV.VN
Biên tập viên - Công ty cổ phần Ben
>> Liên hệ ngay - Công Ty Cổ Phần Ben
- +84-(028)-3620-1898 để trao đổi cùng đội ngũ chuyên gia của Công Ty Cổ Phần Ben
- Số 12, KDC Lucky Dragon, Đường số 357, Phường Phước Long B, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh